Cập nhật công nghệ mới để chống hàng giả khi tem nhãn, mã vạch không còn đủ mạnh
08/05/2025 13:54
Tiến sỹ Trịnh Bá Dương cho rằng những phương pháp truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng.
Trưng bày hàng thật, hàng giả. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Liên tiếp những vụ sản xuất hàng giả, từ sữa, thực phẩm, mỹ phẩm… bị phanh phui mới đây khiến người tiêu dùng hoang mang trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.
Tạo lá chắn thép, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nền sản xuất trong nước và sự minh bạch của thị trường hàng hóa, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, sự chủ động của doanh nghiệp, còn là ý thức của chính người tiêu dùng.
Từ khi có thông tin phát hiện đường dây sản xuất sữa giả có trị giá lên đến 500 tỷ đồng, chị Hồ Thị Toán, trú tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh thận trọng hơn nhiều mỗi khi mua sữa cho con.
Thay vì đặt mua online, chị cẩn thận tìm đến tiệm thuốc, cửa hàng kinh doanh lớn, siêu thị.
“Không chỉ hàng giả mà còn nguy cơ hàng nhái, nên để chắc ăn, tôi phải tìm đến tận nơi uy tín để mua. Nói chung, tôi thấy rất bất an, lo ngại cho sức khỏe cả nhà, sau nhiều vụ làm giả bị phát hiện như vậy,” chị Toán chia sẻ.
Theo Tiến sỹ Trịnh Bá Dương, Chuyên gia đổi mới sáng tạo Quốc gia, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phổ biến trên thị trường, nhất là trong thương mại điện tử, với nhiều hình thức tinh vi.
Các đối tượng làm giả không chỉ sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất.
Sữa, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… là nhóm hàng hóa có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, gian lận thương mại nhiều nhất.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (thuộc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh), trong năm 2024 và quý 1 năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm, tạm giữ hơn 332.600 các loại thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ, trị giá hơn 12 tỷ đồng, xử phạt trên 11,2 tỷ đồng.
Riêng đối với mặt hàng sữa, Chi cục Quản lý thị trường đã tạm giữ 2.600 hộp các loại, 40kg bột sữa, tổng giá trị hơn 188 triệu đồng, xử phạt trên 165 triệu đồng.
Ông Huy cho biết: “Diễn biến thị trường hàng giả, hàng gian lận thương mại ngày càng phức tạp, tinh vi, vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu hay hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.”
Một sản phẩm hàng giả bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: TTXVN phát)
Không những vậy, vấn nạn này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự minh bạch của thị trường hàng hóa. Không ít doanh nghiệp đau đầu khi mới khởi sự kinh doanh, sản phẩm vừa tung ra thị trường đã bị nhái nhãn hiệu.
Không kịp trở tay, lại thiệt hại về doanh số, uy tín, doanh nghiệp chỉ biết khóc ròng. Để tự bảo vệ mình, doanh nghiệp phải tìm cách trang bị cho mình những công cụ chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả.
Tiến sỹ Trịnh Bá Dương cho rằng những phương pháp truyền thống như tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng.
Các doanh nghiệp phải đi trước một bước trong ứng dụng công nghệ vào công cụ của mình, trong đó giải pháp phải mang tính đột phá, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu, gắn vào mỗi sản phẩm.
“Hiện nay công cụ truy xuất nguồn gốc kết hợp công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID) kết hợp Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là giải pháp ưu việt, tạo nên hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch, có thể đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại,” ông Dương cho biết.
Theo ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần công nghệ chống hàng giả Việt Nam (ACTVI), công nghệ này được tích hợp vào một con chip, gắn lên mỗi sản phẩm, đảm bảo cho người tiêu dùng truy vết đầy đủ thông tin được tích hợp trên hàng hóa, từ nơi sản xuất, đến quá trình lưu thông, phân phối.
“Sản phẩm đi đến đâu sẽ ghi dữ liệu tới đó, minh bạch tất cả công đoạn của hàng hóa, có thể triển khai trên nhiều lĩnh vực, từ nông sản, thực phẩm, y tế, hàng tiêu dùng…,” ông Thọ cho hay.
Tiếp cận thị trường hàng hóa chất lượng, minh bạch về thông tin là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng, cũng là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu. Vì vậy, doanh nghiệp phải luôn chủ động tạo lá chắn trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Chuyên sản xuất và cung cấp các loại máy lọc nước ra thị trường, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng Giám đốc Công ty nước ion kiềm An Khang Group cho biết ngay từ đầu tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp đã phải tính toán, cân nhắc đến những thiệt hại nếu như sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Vì vậy, doanh buộc “mạnh tay” đầu tư vào các giải pháp công nghệ chống giả hiện đại.
“Chúng tôi đã sử dụng nhiều công nghệ để đảm bảo người tiêu dùng của mình có thể truy quét được thông tin sản phẩm, nhưng không mang lại hiệu quả triệt để. May mắn khi tìm được giải pháp hiện đại hơn, có tích hợp gắn chip, thì những lo ngại về vấn hàng giả, hàng nhái mới được giải quyết, người dân yên tâm sử dụng sản phẩm của chúng tôi mà không sợ bị lầm”, bà Thoa cho hay.
Ở góc độ quản lý nhà nước, đấu tranh với tội phạm làm hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại là cuộc chiến dài kỳ, cam go của ngành chức năng từ nhiều năm nay.
Các công cụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng rất đầy đủ, hoàn thiện, nhưng khó theo kịp sự tinh vi của các thủ đoạn làm giả làm nhái.
Dù vậy, hàng loạt các vụ việc bị phanh phui gần đây, từ đường dây sữa giả trị giá 500 tỷ, đến đường dây 100 tấn thực phẩm chức năng giả, cho thấy quyết tâm của ngành chức năng trong việc minh bạch hóa thị trường, đưa vi phạm ra ánh sáng.
Chung tay đẩy lùi hàng giả, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, ý thức của các doanh nghiệp sản xuất, còn cần cả nhận thức của người tiêu dùng, chủ động trong mua bán, kiểm tra thông tin sản phẩm, báo cáo các vi phạm nếu có.
Qua đó để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, phát hiện và xử lý đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ giá trị thật và sức khỏe của người tiêu dùng./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nghị quyết 68 - cú hích về thể chế, tạo bước tiến đột phá cho kinh tế tư nhân
Xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trước tác động của chính sách thuế quan
Triển lãm Xây dựng Sydney 2025: Cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt
Trung Quốc nêu rõ quan điểm trước thềm đối thoại kinh tế cấp cao với Mỹ
Doanh nghiệp linh hoạt, ứng biến với tình hình mới để đẩy mạnh xuất khẩu
Việt Nam tham gia các phiên họp về phòng vệ thương mại tại WTO
Truyền thông Cuba: Việt Nam là động lực kinh tế châu Á năm 2025
Miễn thuế đất nông nghiệp: Hỗ trợ "đúng và trúng" để phát triển bền vững
Giá vàng ngày 7/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Quy định chế tài cụ thể để xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa