Giá cá tra tại Đồng Tháp tăng, người nuôi lãi cao
04/03/2025 13:09
Giá cá tra nguyên liệu là 31.500-31.800 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 26.503 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi hơn 5.000 đồng/kg.
Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)
Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích nuôi cá tra tại Đồng Tháp đến nay đạt hơn 1.332ha; diện tích thu hoạch hơn 180ha; sản lượng thu hoạch 81.733 tấn.
Giá cá tra nguyên liệu là 31.500-31.800 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 26.503 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi hơn 5.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Tất Đạt cho biết ngành hàng cá tra có 87% diện tích sản xuất theo quy hoạch; vùng sản xuất đa số đều áp dụng quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn đáp ứng theo yêu cầu thị trường của các nước nhập khẩu; diện tích cấp mã số nhận diện ao nuôi đạt 99%; cơ sở được cấp mã số nhận diện ao nuôi, đạt 378 cơ sở/1.630 ha.
Cơ sở nuôi thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định, đạt 91,5% so với chỉ tiêu 100%.
Diện tích nuôi cá tra thương phẩm ở Đồng Tháp áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP, đạt 242,4 ha/38 cơ sở.
Để ngành hàng cá tra có giá cao, đạt chất lượng xuất khẩu, theo ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết công nghiệp chế biến cá tra ở Đồng Tháp đứng thứ 1 trong vùng và cũng có tác động quan trọng đối với việc điều phối, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu… ở cấp vùng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp chế biến thủy sản với sản phẩm chủ yếu là cá fillet các loại (fillet cuộn hoa hồng, fillet xiên que,…), cá cắt khúc, cá nguyên con bỏ đầu, cá nguyên con xẻ bướm,… với tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, có 11 doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất cá tra; trong đó có 1 doanh nghiệp chế biến dầu cá (sản lượng 17.700 tấn thành phẩm/năm), 1 doanh nghiệp chế biến collagen, gelatin từ da cá tra (1.800 tấn thành phẩm/năm), 9 doanh nghiệp chế biến bột cá và mỡ cá tra (80.000 tấn thành phẩm/năm) góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế của ngành.
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP, BRC, GlobalGAP, IFS, ASC (Aquaculture Stewardship Council) và chứng chỉ BAP (Best Aquaculture Practice),… theo yêu cầu của từng thị trường.
Về xuất khẩu có 28 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm bao gồm Trung Quốc, Mỹ và EU,...
Tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra phát triển bền vững, diện tích nuôi cá tra năm 2025 là 2.450ha, với sản lượng 555.000 tấn, tương đương giá trị sản xuất hơn 9.000 tỷ đồng./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Không thể chủ quan dù xuất khẩu đã vượt 21 tỷ USD
Giảm VAT 2% hết năm 2026 để tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số
Tín dụng xanh: Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam
Luật Quản lý vốn Nhà nước (sửa đổi) trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp
Thủ tướng: Việt Nam mong muốn không xảy ra chiến tranh thương mại
Chứng khoán duy trì đà tăng, dư mua giá trần hơn 1,4 triệu cổ phiếu tân binh
Nghị quyết 68: Bước tiến thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá
Lãi suất ngân hàng ngày 13/5: Tám ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 6%
Tỷ giá ngày 13/5: Đồng USD và nhân dân tệ tăng đáng kể
Giá vàng ngày 13/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý