Giá dầu tại thị trường châu Á tăng nhẹ do lo ngại về bất ổn thương mại
08/03/2025 11:32
Chuyên gia tại Vanda Insights cho biết dường như các thị trường tài chính đang trong tình trạng bất an và khó ổn định được bởi những kế hoạch hoãn thuế, miễn thuế của Mỹ trong vòng một tháng.
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Wasit (Iraq). (Ảnh: THX/TTXVN)
Giá dầu tại thị trường châu Á tăng nhẹ trong phiên chiều 7/3 trong lúc những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ gây lo ngại về nhu cầu, cùng với việc các nhà sản xuất lớn chuẩn bị tăng sản lượng.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 50 xu Mỹ (0,72%) lên 69,96 USD/thùng vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 7/3 (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 47 xu Mỹ (0,71%) lên 66,83 USD/thùng.
Tuy nhiên, từ đầu tuần đến nay giá dầu Brent đã giảm 4,9% và đang hướng đến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 14/10/2024.
Giá dầu WTI đang hướng đến mức giảm 4,8% trong cả tuần này, cũng là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ thời điểm đó.
Các thị trường, bao gồm cả dầu mỏ, đã bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại biến động của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Vandana Hari tại công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Vanda Insights cho biết dường như các thị trường tài chính đang trong tình trạng bất an và khó ổn định được bởi những kế hoạch hoãn thuế, miễn thuế của Mỹ trong vòng một tháng.
Điều đó khiến giá dầu tiếp tục dao động quanh mức thấp nhất trong bốn tháng, mặc dù vẫn có nguy cơ giảm sâu hơn.
Ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn áp thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa từ Canada và Mexico cho đến ngày 2/4, mặc dù thuế thép và nhôm vẫn có hiệu lực vào ngày 12/3 theo lịch trình.
Các thuế quan này được coi là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về chính sách cũng đang làm chậm các quyết định kinh doanh, điều này cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Đơn vị nghiên cứu BMI của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nhận định rằng giá dầu có khả năng sẽ giảm do nguồn cung tăng từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, cùng với các nhà sản xuất không thuộc OPEC dẫn đến tình trạng dư thừa trên thị trường./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Không thể chủ quan dù xuất khẩu đã vượt 21 tỷ USD
Giảm VAT 2% hết năm 2026 để tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số
Tín dụng xanh: Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam
Luật Quản lý vốn Nhà nước (sửa đổi) trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp
Thủ tướng: Việt Nam mong muốn không xảy ra chiến tranh thương mại
Chứng khoán duy trì đà tăng, dư mua giá trần hơn 1,4 triệu cổ phiếu tân binh
Nghị quyết 68: Bước tiến thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá
Lãi suất ngân hàng ngày 13/5: Tám ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 6%
Tỷ giá ngày 13/5: Đồng USD và nhân dân tệ tăng đáng kể
Giá vàng ngày 13/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý