Nga, Saudi Arabia giảm nguồn cung cấp dầu cho châu Á
25/10/2024 16:07
Nga và Saudi Arabia đã đồng loạt giảm nguồn cung dầu cho thị trường châu Á trong chín tháng đầu năm 2024. Động thái này phản ánh những thay đổi đáng kể trong cung-cầu dầu mỏ khu vực, đặc biệt là sự suy giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.

Hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở Izhevsk, vùng Ural, LB Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Tờ Kommersant (Nga) ngày 24/10 đưa tin, lượng dầu vận chuyển đến châu Á của Nga và Saudi Arabia đã giảm đáng kể trong chín tháng đầu năm 2024. Cụ thể, Nga cung cấp 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd), giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Saudi Arabia đạt mức 4,9 triệu bpd, giảm 7%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là thỏa thuận OPEC+ giữa Nga và Saudi Arabia nhằm hạn chế sản lượng dầu. Theo Argus, bên cạnh việc nguồn cung không đủ, giá dầu của Saudi Arabia cũng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, góp phần làm giảm khối lượng nhập khẩu.
Trong bức tranh tổng thể, tổng lượng nhập khẩu dầu qua đường biển của châu Á đã giảm 1,8% xuống còn 22,98 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp khác đã tăng nguồn cung, bao gồm UAE (chiếm 13% thị phần), Iraq (10%) và Mỹ (7%), với tổng mức tăng đạt 250.000 thùng/ngày.
Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Lượng nhập khẩu của nước này đã giảm 410.000 thùng/ngày, xuống còn 9,89 triệu thùng/ngày. Điều này trái ngược với dự đoán của các chuyên gia hồi đầu năm về việc nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhờ các nhà máy lọc dầu mới.
Victor Katona, chuyên gia phân tích tại Kpler, chỉ ra rằng Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Không chỉ có nhu cầu giảm, biên độ lọc dầu cũng thu hẹp khi nguồn cung sản phẩm dầu toàn cầu trở lại bình thường.
Chuyên gia Katona cũng lưu ý rằng các sự kiện lớn như hậu quả của COVID-19, các lệnh trừng phạt Nga hay những cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ và Eo biển Bab el-Mandeb đều không gây ra tình trạng thiếu hụt hay gián đoạn nguồn cung trong khu vực.
Nhưng có hai yếu tố chính đang ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ tại Trung Quốc. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng trong ngành xây dựng, làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu diesel. Thứ hai là chiến lược chuyển đổi năng lượng của nước này, với việc tích cực đưa vào sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng mới, được dự báo sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu trong tương lai.
Các bài viết cùng chuyên mục
Một quốc gia EU thay đổi cam kết cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine
Chỉ huy Hamas thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào Liban
Tổng thống Trump nói về vai trò trung gian để giải quyết xung đột quân sự Ấn Độ - Pakistan
Thủ tướng Israel công bố thông tin về các con tin tại Gaza
Mỹ tăng tốc cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm
Người dân Panama phản đối kế hoạch Mỹ tăng hiện diện an ninh gần kênh đào
Hàng không quốc tế rối loạn do xung đột Pakistan - Ấn Độ
EU cảnh báo Hungary và Slovakia ngừng nhập năng lượng Nga
Đằng sau việc Mỹ ra lệnh cho các cơ quan tình báo tăng cường do thám Greenland
Thuế quan của Mỹ: Quyền tiếp cận thuốc của người Canada bị đe dọa