So sánh các khuôn khổ hòa bình của phương Tây cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
06/05/2025 13:28
Hai khuôn khổ hòa bình mới do Mỹ và nhóm châu Âu – Ukraine đề xuất đang tạo nên làn sóng tranh luận khi thể hiện sự chia rẽ rõ rệt trong cách tiếp cận cuộc chiến Nga - Ukraine, đặc biệt là về bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ Moskva đang kiểm soát.

Đàm phán ba bên Mỹ-Ukraine-EU ở Paris (Pháp) ngày 17/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo nhận định của Vladimir Socor, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Quỹ Jamestown (jamestown.org) có trụ sở tại Washington D.C., Mỹ, hai đề xuất khung hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine đã được đệ trình gần đây, cho thấy những khác biệt đáng kể về cách tiếp cận của các đồng minh phương Tây. Đề xuất đầu tiên do Mỹ đưa ra vào ngày 17/4, trong khi đề xuất thứ hai là sáng kiến chung của Pháp, Đức, Ukraine và Anh vào ngày 23/4. Đề xuất bốn bên đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia châu Âu tham gia trực tiếp vào tiến trình đàm phán này.
Sự khác biệt chính về vấn đề lãnh thổ
Mặc dù cả hai khuôn khổ đều đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của việc chấm dứt xung đột như giao tranh quân sự, vấn đề kinh tế và tái thiết, các vấn đề lãnh thổ hiện đang được đặc biệt chú trọng do Nga đang kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine và chiếm ưu thế trên thực địa.
Điểm khác biệt nổi bật nhất giữa hai đề xuất là cách tiếp cận đối với bán đảo Crimea. Theo đề xuất của Washington, "Mỹ công nhận về mặt pháp lý quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea". Đây là sự thay đổi đáng kể so với chính sách trước đây của Mỹ.
Kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ đã kiên định với quan điểm "Crimea là Ukraine" thông qua các tuyên bố thường niên của Bộ Ngoại giao từ năm 2018 đến 2024. Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh: "không quốc gia nào có thể thay đổi biên giới của quốc gia khác bằng vũ lực".
Ngược lại, đề xuất bốn bên ở châu Âu và Ukraine hoàn toàn bỏ qua vấn đề Crimea, thay vào đó quy định rằng "các vấn đề lãnh thổ sẽ được thảo luận và giải quyết sau khi ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện". Điều này phản ánh lập trường kiên định của Kiev và Liên minh châu Âu (EU) trong việc từ chối công nhận việc Nga sáp nhập Crimea.
Theo báo Pravda, đề xuất của Mỹ không yêu cầu Ukraine phải công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, mà chỉ cần chấp nhận sự công nhận của Mỹ trong khuôn khổ đàm phán Kiev - Moskva. Các nhà quan sát Ukraine cho rằng thủ tục này nhằm loại bỏ trở ngại pháp lý lớn đối với việc phê chuẩn quốc tế đối với toàn bộ gói giải pháp hòa bình.
Về 4 tỉnh mà Nga đang kiểm soát, đề xuất của Mỹ nêu rõ "cung cấp sự công nhận trên thực tế về quyền kiểm soát của Nga đối với Luhansk" và "công nhận trên thực tế đối với các phần do Nga kiểm soát ở Zaporizhzhia, Donetsk và Kherson". Đồng thời, Washington cho rằng "Ukraine lấy lại lãnh thổ ở tỉnh Kharkiv", nơi lực lượng Nga hiện đang kiểm soát một phần Đông Bắc và đang tiến quân.
Trong khi đó, đề xuất bốn bên từ châu Âu-Ukraine chỉ nêu rằng bất kỳ "cuộc đàm phán lãnh thổ nào cũng bắt đầu từ cơ sở của đường kiểm soát" (tiền tuyến chuyển thành đường ngừng bắn), đồng thời hoãn mọi thảo luận về vấn đề lãnh thổ cho đến khi đạt được "lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện". Biện pháp phòng ngừa này nhằm tránh việc đàm phán dưới áp lực quân sự từ phía Nga.
Điểm chung
Mặc dù có nhiều khác biệt, cả hai đề xuất đều thống nhất về việc "trả lại một số khu vực chiến lược cho Ukraine": "Ukraine được hưởng quyền đi lại không bị cản trở trên Sông Dnieper và quyền kiểm soát Kinburn Spit" - điều này sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa Cửa sông Dnieper và hai cảng Biển Đen của Ukraine, Mykolaiv và Kherson.
Ukraine cũng lấy lại quyền kiểm soát đối với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (lớn nhất châu Âu về công suất phát điện) và Đập thủy điện Kakhovka. Đáng chú ý, chính quyền Trump trước đây đã đề xuất việc tiếp quản hoạt động của nhà máy Zaporizhzhia trong các cuộc đàm phán song phương với Nga.
Như vậy, sự khác biệt giữa hai đề xuất hòa bình phản ánh những cách tiếp cận khác nhau của đồng minh phương Tây về cách giải quyết cuộc xung đột. Trong khi đề xuất của Mỹ có vẻ sẵn sàng cung cấp một số nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, đề xuất bốn bên châu Âu-Ukraine cố gắng giữ vững nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ít nhất là cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn trước khi tiến hành đàm phán.
Các bài viết cùng chuyên mục
Thủ tướng Malaysia đề cao mối quan hệ với Singapore sau chiến thắng vang dội của PAP
Lầu Năm Góc cắt giảm 20% sĩ quan cấp cao trong quân đội
Người di cư di chuyển về khu vực biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Trump công bố chương trình cấp tiền cho người nhập cư trái phép tự rời Mỹ
Việt Nam và Cuba mở rộng hợp tác nuôi tôm công nghệ cao
Kỳ vọng của cử tri Australia đối với Công đảng
Tại sao Trung Quốc có thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ thời Trump?
Algeria ngưỡng mộ hành trình phát triển kỳ diệu của Việt Nam
Mexico - Việt Nam: 50 năm quan hệ ngoại giao và những bước tiến vượt bậc
Động đất tại Myanmar: Thái Lan triển khai đội y tế thứ 4