Thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine bất thành sau màn tranh cãi cấp nguyên thủ
01/03/2025 08:06
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Mỹ và Ukraine không ký thỏa thuận khoáng sản như kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, buổi họp báo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cũng bị hủy sau màn "tranh cãi" giữa 2 nguyên thủ này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Phía Mỹ cho biết việc ký kết thỏa thuận này có được nối lại hay không tùy vào Ukraine, vì ông Zelensky hiện vẫn ở Mỹ. Theo nguồn tin, Tổng thống Trump không loại trừ việc đạt thỏa thuận với Ukraine, nhưng nhấn mạnh điều này chỉ xảy ra nếu Ukraine sẵn sàng có cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Trước đó, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 28/2 (giờ địa phương), hai nhà lãnh đạo này đã có cuộc "tranh cãi" - theo tường thuật của Reuters, khi ông Zelensky kêu gọi Trump thận trọng với Nga, ngược lại nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra không hài lòng về thái độ của đối tác. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Phòng Bầu dục trước lễ ký kết dự kiến về thỏa thuận cho phép Mỹ tham gia vào ngành công nghiệp khoáng sản ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Zelensky đã công khai chỉ trích cách tiếp cận mềm mỏng của ông chủ Nhà Trắng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về phần mình, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng ông Putin muốn đạt được một thỏa thuận. Bên cạnh đó, ông Trump cảnh báo rằng hoặc là nhà lãnh đạo Ukraine cần đạt được một thỏa thuận, hoặc Mỹ sẽ rút lui.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Ukraine đã ngay lập tức rời Nhà Trắng. Trong khi đó, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump cho rằng ông Zelensky chưa sẵn sàng cho hòa bình. Theo Tổng thống Trump, sự can dự của Mỹ có thể khiến nhà lãnh đạo Ukraine cảm thấy có lợi thế lớn trong đàm phán. Tuy nhiên, điều Mỹ muốn hướng tới là hòa bình. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Tổng thống Zelensky có thể quay trở lại khi đã sẵn sàng.
Theo kế hoạch ban đầu, hai bên dự kiến ký kết một thỏa thuận về khai thác khoáng sản. Dự thảo thỏa thuận quy định Ukraine sẽ đóng góp 50% "tất cả doanh thu kiếm được từ việc khai thác trong tương lai của tất cả tài sản tài nguyên thiên nhiên do Chính phủ Ukraine sở hữu" vào một quỹ tái thiết được đồng sở hữu và quản lý bởi Mỹ và Ukraine. Dự thảo thỏa thuận không nêu rõ tên các tài sản liên quan, nhưng cho biết sẽ bao gồm các mỏ khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các vật liệu khai thác khác cũng như cơ sở hạ tầng khác như các nhà máy LNG và cảng biển.
Các bài viết cùng chuyên mục
Kỳ vọng của cử tri Australia đối với Công đảng
Tại sao Trung Quốc có thể thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ thời Trump?
Algeria ngưỡng mộ hành trình phát triển kỳ diệu của Việt Nam
Mexico - Việt Nam: 50 năm quan hệ ngoại giao và những bước tiến vượt bậc
Động đất tại Myanmar: Thái Lan triển khai đội y tế thứ 4
Mỹ tuyên bố không làm trung gian nữa, yêu cầu Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp
EU phạt TikTok 600 triệu USD
Những vấn đề then chốt người dân Singapore quan tâm trước bầu cử
Mảnh vỡ từ tàu thăm dò Liên Xô sắp rơi tự do xuống Trái Đất sau 50 năm lơ lửng
Ukraine điều máy bay giúp Israel dập cháy rừng