Đồng USD "trầm lắng" trước sức ép đa chiều
17/03/2025 17:47
Đồng USD chịu sức ép và dao động gần mức thấp nhất trong 5 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, giữa những chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Mỹ và dữ liệu kinh tế ảm đạm.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong phiên giao dịch 17/3, đồng USD tiếp tục chịu sức ép và dao động gần mức thấp nhất trong 5 tháng so với các đồng tiền chủ chốt khác, giữa những chính sách thương mại khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump và loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm.
Trong khi đó, đồng euro giữ vững gần mức đỉnh của 5 tháng sau khi các đảng phái chính trị Đức đạt thỏa thuận tài khóa.
Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu và vực dậy tăng trưởng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Các nhà phân tích Dominic Wilson và Kamakshya Trivedi của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định thị trường đã chứng kiến hai thay đổi lớn trong tháng qua.
Thứ nhất, chính sách bất ổn của chính quyền Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ.
Thứ hai, các biện pháp kích thích kinh tế của Đức lại giúp các nền kinh tế đầu tàu châu Âu trở nên hấp dẫn hơn. Điều này có thể làm suy yếu niềm tin vào sự vượt trội của kinh tế Mỹ và khiến các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ ra ngoài thị trường Mỹ.
Đồng euro được giao dịch ở mức 1,0881 USD, giảm nhẹ so với mức 1,0947 USD đạt được vào ngày 11/3 tuần trước, mức cao nhất kể từ ngày 11/10.
Ông Friedrich Merz, người được kỳ vọng sẽ trở thành Thủ tướng Đức, thông báo ông đã nhận được sự ủng hộ của Đảng Xanh cho thỏa thuận tăng mạnh vay nợ của nhà nước. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong tuần này. Nội dung bao gồm quỹ 500 tỷ euro (tương đương 544 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng và các thay đổi lớn trong quy định vay nợ.
Trong khi đó, đồng yen Nhật vẫn gần mức cao nhất trong 5 tháng nhờ tín hiệu thắt chặt tiền tệ từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Mặc dù vậy, BoJ được dự báo rộng rãi sẽ giữ nguyên chính sách tại cuộc họp ngày 19/3. Tuy nhiên, các điều kiện để tăng lãi suất đang dần hình thành khi các công ty lớn của Nhật Bản tăng lương cho người lao động.
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda phát biểu trước Quốc hội tuần trước rằng, ông kỳ vọng việc tăng lương sẽ thúc đẩy tiêu dùng, nhưng ông vẫn "rất lo ngại" về những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng gần mức cao nhất trong 4 tháng trên thị trường giao dịch ngoài nước. Đồng USD giảm 0,15% xuống 7,2266 nhân dân tệ, tiến gần đến 7,2158 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ ngày 13/11.
Ngày 16/3, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố "kế hoạch hành động đặc biệt" để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bao gồm các biện pháp tăng thu nhập cho người dân và thiết lập chương trình trợ cấp chăm sóc trẻ em.
Chỉ số USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, ít biến động ở mức 103,71, chỉ thấp hơn 0,5% so với mức đáy của 5 tháng là 103,21 đạt được vào tuần trước.
Khảo sát sơ bộ vào tháng Ba cho thấy tâm lý người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, trong khi kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng mạnh nhất kể từ năm 1993, khi chính quyền ông Trump đẩy mạnh việc tăng thuế đối với hàng hóa nước ngoài.
Hiện thị trường đang chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed diễn ra ngày 18-19/3. Fed dự kiến sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn
Châu Á trở thành trọng tâm thương mại mới của Liên minh châu Âu
Khẳng định mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Bộ Tài chính: Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ cho người nghỉ hưu sớm
Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Azerbaijan
Nghị quyết 68 - cú hích về thể chế, tạo bước tiến đột phá cho kinh tế tư nhân
Xuất khẩu thủy sản duy trì đà tăng trước tác động của chính sách thuế quan
Cập nhật công nghệ mới để chống hàng giả khi tem nhãn, mã vạch không còn đủ mạnh
Triển lãm Xây dựng Sydney 2025: Cơ hội mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt
Trung Quốc nêu rõ quan điểm trước thềm đối thoại kinh tế cấp cao với Mỹ