Ba không khi ăn lòng lợn
08/05/2025 13:31
Là món khoái khẩu của nhiều người nhưng lòng lợn đòi hỏi chế biến cẩn thận, thậm chí một số người nên tránh xa.
Lòng lợn luộc là món ăn phổ biến trong nhiều nền ẩm thực châu Á, bao gồm Việt Nam. Lòng có độ giòn dai sần sật, thường được ăn kèm mắm tôm, bún hoặc cháo. Tuy nhiên, lòng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe nếu không được chế biến đúng cách. Dưới đây là 3 điều bạn cần lưu ý khi ăn món lòng:
Không ăn lòng chưa chín kỹ
Một trong những nguy cơ lớn nhất là ăn lòng chưa được nấu chín hoàn toàn. Do là nội tạng, lòng có thể chứa nhiều loại ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại, như:
- Trichinella spiralis: Giun xoắn dẫn đến đau cơ, sốt và rối loạn tiêu hóa.
- Virus viêm gan E: Có thể tồn tại trong gan và lòng lợn, gây viêm gan - đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
- Vi khuẩn Salmonella, E.coli: Gây tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, người dân nên mua lòng lợn từ nguồn uy tín, sơ chế kỹ lưỡng. Theo khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, lòng cần được rửa nhiều lần, dùng muối hoặc giấm để khử mùi và diệt khuẩn. Ngoài ra, bạn nên dùng riêng dao, thớt và rửa sạch tay, bề mặt bếp sau khi tiếp xúc với nội tạng sống. Tuyệt đối không dùng chung dao, thớt giữa lòng sống và lòng chín, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Không ăn quá 2 lần mỗi tuần
Dù lòng lợn có nhiều dưỡng chất như protein, sắt nhưng cũng chứa lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Theo Cleveland Clinic, ăn quá nhiều nội tạng động vật có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, lòng cũng chứa nhiều purin - hợp chất khiến bệnh gout nặng hơn.
Bởi vậy, người dân chỉ nên ăn lòng lợn 1-2 bữa mỗi tuần; cần kết hợp với chế độ ăn lành mạnh gồm rau xanh, trái cây và protein nạc.
Những người không nên ăn lòng
- Phụ nữ mang thai: Các sản phụ có hệ miễn dịch suy yếu, dễ nhiễm khuẩn, có thể gây sảy thai hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác khi ăn lòng không đảm bảo vệ sinh.
- Trẻ em dưới 5 tuổi: Có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ nhỏ có thể bị tiêu chảy do vi khuẩn từ lòng.
- Người trên 60 tuổi: Người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng do lòng bẩn, dẫn đến viêm khớp hoặc viêm màng não.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: Những người đang điều trị ung thư, nhiễm HIV/AIDS hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có khả năng nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong lòng lợn chưa chín kỹ.
- Người mắc bệnh gout hoặc rối loạn lipid máu: Lòng lợn chứa nhiều purin và chất béo bão hòa, có thể làm tăng nồng độ axit uric, dẫn tới cơn gout hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Người có bệnh lý gan hoặc thận: Lòng lợn chứa nhiều vitamin A và sắt, có thể gây quá tải cho gan và thận, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý liên quan đến các cơ quan này.
- Người có vấn đề về tiêu hóa: Lòng lợn có kết cấu dai và khó tiêu, có thể gây khó chịu hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu.
Nguồn vietnamnet.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Áo dài Nhật Bình - Sứ giả văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ
Du lịch thông minh khẳng định vị thế điểm đến
Trường Sa trong tranh: 70 năm Hải quân Nhân dân Việt Nam qua góc nhìn nghệ thuật
Lung linh đêm hoa đăng Vesak 2025 cầu nguyện cho thế giới hòa bình
Bảo tồn và phát huy giá trị Hành cung Vũ Lâm
Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót - 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng
Lòng se điếu giá bạc triệu có giàu dinh dưỡng hơn loại bình thường không?
Phát triển du lịch bền vững từ 'Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình'
Đông đảo người dân xếp hàng chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức
Người dân 5 vùng trường thọ đều tránh một loại thức ăn